Logo 1

Thương Hiệu Xa Xỉ Tại Thị Trường Việt Nam

Tuy còn nhiều vấn đề cần giải quyết nhưng nền kinh tế đang phát triển của Việt Nam vẫn tiếp tục lọt mắt xanh của những tên tuổi thương hiệu cao cấp khắp nơi trên thế giới.

Bất chấp các thách thức do Covid-19 gây ra, thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn phát triển mạnh nhờ triển vọng kinh tế tích cực, số người có thu nhập cao tăng cùng thói quen mua sắm của tầng lớp trung lưu thay đổi. Ngân hàng Thế giới dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 6,3% trong năm 2023, kế hoạch dài hạn hướng tới năm 2030 sẽ tăng đạt mức bình quân hàng năm khoảng 7%. Những số liệu này cho thấy tiềm năng khai thác các thương hiệu xa xỉ tại thị trường Việt Nam.

Thêm vào đó, Statista cũng ước tính trong năm nay, thị trường bán lẻ cao cấp tại Việt Nam sẽ đạt 957,2 triệu USD với tốc độ tăng trưởng đạt 3,23% hàng năm từ nay đến 2028. Nhu cầu tiêu thụ hàng xa xỉ của người dân tăng chính là cơ hội để các thương hiệu mở rộng và đầu tư. Hà Nội và TP.HCM – hai thành phố trọng điểm của cả nước, đều chứng kiến sự đổ bộ của hàng loạt thương hiệu cao cấp như Dior, Louis Vuitton, Tiffany & Co., Berluti…

Ngoài ra, sự gia tăng của các khách sạn cao cấp và khu căn hộ có thương hiệu cũng góp phần thu hút phân khúc khách du lịch có ngân sách chi tiêu cao, nâng vị thế thị trường bán lẻ hàng xa xỉ của đất nước. Trong bối cảnh có sự phát triển, các thương hiệu xa xỉ luôn không ngừng tìm kiếm những mặt bằng mới nhằm gia tăng độ phủ sóng, đồng thời nâng cao vị thế đang nắm giữ.

Theo báo cáo của Savills, sự phát triển của các khách sạn hạng sang tạo nên sức hấp dẫn cho các khu mua sắm nổi tiếng. Ở London, sự xuất hiện của khách sạn St. Regis trên Conduit Road và Bond Road giúp nâng tầm giá trị của khu vực. Khách sạn Portrait Milano của Milan nằm trên Corso Venezia thu hút nhiều thương hiệu cao cấp mở cửa chào đón khách hàng nơi đây. Tại Madrid, việc khai trương khách sạn Four Seasons trên đại lộ Grand Via, vốn đã là một khu trung tâm thương mại, nay lôi kéo thêm các thương hiệu như Louis Vuitton và Jimmy Choo mở rộng sang khu vực này. “Theo xu hướng toàn cầu, việc chuẩn bị ra đời của các khách sạn hạng sang như Four Seasons, Fairmont, Waldorf Astoria và Ritz-Carlton tại Hà Nội được kỳ vọng sẽ tạo ra một khu trung tâm mua sắm cao cấp mới tại thủ đô, thu hút các thương hiệu xa xỉ gia nhập thị trường đầy hứa hẹn,” Bà Hoàng Diệu Trang, Quản lý Cấp cao Bộ phận Cho thuê Thương mại của Savills Hà Nội chia sẻ.

CEO Mai SonBà Phạm Thị Mai Son – CEO Maison RMI

Theo Bà Phạm Thị Mai Son – CEO Maison RMI:

“Ngành bán lẻ thời trang tại Việt Nam có tiềm năng rất lớn ở phân khúc cao cấp, thậm chí nhiều hơn cả phân khúc tầm trung và đại chúng. Theo nhiều dự báo khác nhau, thị trường bán lẻ thời trang tại Việt Nam dự kiến sẽ đạt +/- 8,6 tỷ USD vào năm 2025 với tốc độ tăng trưởng kép (CARG) là 8.6%. Mặc dù tốc độ tăng trưởng này so với tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế không mấy gây ngạc nhiên, nhưng lại là thời điểm thú vị dành cho ngành bán lẻ thời trang đang trên đà phát triển rất nhanh tại Việt Nam do thị trường có sự đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng ở mọi phân khúc. Càng ngày càng có nhiều thương hiệu quốc tế lẫn nội địa hấp dẫn chào bán các mặt hàng thời trang ở mọi mức giá.”

Những thách thức và cơ hội

Mặc dù có tiềm năng lớn, lĩnh vực bán lẻ cao cấp của Việt Nam vẫn phải đối mặt với những khó khăn cần được cân nhắc kỹ lưỡng. Thử thách đầu tiên liên quan đến việc lựa chọn địa điểm cho các cửa hàng bán lẻ. Tại thị trường khu vực và toàn cầu, các khu thương hiệu cao cấp thường chọn những con phố mua sắm chính hoặc trung tâm mua sắm lớn, nơi tập trung nhiều thương hiệu lớn. Tuy nhiên, tại Việt Nam, việc tìm được mặt bằng bán lẻ phù hợp ở những vị trí đắc địa, đủ diện tích và mặt tiền lớn để phục vụ đối tượng khách hàng cao cấp vẫn là một thách thức.

CEO Mai Son cũng coi trọng việc mua sắm offline. Bà cho biết: “Nhu cầu được chạm, nhìn và trải nghiệm trực tiếp thương hiệu cao cấp tại cửa hàng vẫn rất cần thiết đối với khách hàng sành điệu. Trên thực tế, dù hoạt động kinh doanh trực tuyến của Maison Online đã và đang hoạt động có lãi (không như hầu hết các công ty thương mại khác), chúng tôi vẫn tin rằng các cửa hàng vật lý sẽ vẫn chiếm phần lớn doanh số bán hàng của chúng tôi, ít nhất trong 10 năm tới.”

Nói về việc lựa chọn địa điểm bán lẻ của các thương hiệu cao cấp, bà Trang chỉ ra rằng ở thị trường khu vực và toàn cầu, các thương hiệu thường chọn đặt cửa hàng ở những con phố mua sắm hoặc trung tâm thương mại đắc địa, nơi tập trung các thương hiệu lớn. Tương tự, tại Việt Nam, các thương hiệu cũng chọn mặt bằng bán lẻ trên các tuyến đường nổi bật, giá trị, có mặt tiền lớn, hướng đến đối tượng khách hàng cao cấp. Hiện nay, tại Hà Nội, quận Hoàn Kiếm vẫn là địa điểm lý tưởng cho các thương hiệu cao cấp nhờ vị trí trung tâm và sự đảm bảo về nhận diện thương hiệu. Tuy nhiên, nguồn cung thực tế trong khu vực vẫn còn hạn chế.

Ngoài ra, phần lớn mặt bằng bán lẻ hiện có tại Việt Nam không đáp ứng được yêu cầu của các thương hiệu cao cấp về mặt bằng bố trí cửa hàng, thông số kỹ thuật, pháp lý minh bạch và các cam kết lâu dài. “Để tận dụng lợi thế và sức hấp dẫn của thị trường bán lẻ cao cấp Việt Nam, việc bổ sung nguồn cung hợp lý cần một giải pháp”, bà Trang nói thêm. “Các nhà đầu tư cần chú trọng xây dựng không gian đạt tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng yêu cầu của các thương hiệu.”

Sự trỗi dậy của các thương hiệu cao cấp tầm trung

Ngành bán lẻ thời trang Việt Nam còn nhiều tiềm năng, đặc biệt ở phân khúc trung cấp đến cao cấp, thậm chí hơn cả phân khúc trung cấp và bình dân. Theo nhiều dự báo khác nhau, thị trường bán lẻ thời trang dự kiến sẽ đạt khoảng 8,6 tỷ USD vào năm 2025, với tốc độ CAGR là 8,6%.

Giai đoạn này đặc biệt thú vị đối với lĩnh vực bán lẻ thời trang đang phát triển nhanh chóng tại Việt Nam, khi thị trường có xu hướng cung cấp các sản phẩm ở mọi mức giá để đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng. Nhiều thương hiệu quốc tế và trong nước đã tham gia thị trường, thu hút khách hàng bằng các sản phẩm chất lượng cao với giá cả hợp lý.

CEO Mai Son cho biết: Các thương hiệu xa xỉ sẽ tiếp tục tăng trưởng tại Việt Nam cả về mặt số lượng lẫn mức độ phổ biến. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn tin tưởng phần lớn tăng trưởng trong lĩnh vực bán lẻ thời trang sẽ đến từ phân khúc đại chúng. Một minh chứng rất rõ đó chính là các thương hiệu Charles & Keith, Pedro hay MLB đã tăng lên 50 cửa hàng tại Việt Nam, con số này không thể xảy ra tương tự đối với Chanel hay Hermes ở bất kỳ quốc gia nào”.

Bà cũng tin rằng thị trường bán lẻ cao cấp của Việt Nam đã chín muồi, cơ hội dành cho các thương hiệu có khả năng thấu hiểu và đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Để thành công trên thị trường, các công ty phải chú ý đến sở thích của người tiêu dùng và đầu tư vào việc trau chuốt những trải nghiệm khách hàng. Thấu hiểu những đặc điểm riêng biệt của thị trường Việt Nam và lựa chọn cẩn thận địa điểm đặt để cửa hàng là những bước quan trọng giúp nắm bắt tiềm năng to lớn của đất nước này.

CEO Mai Son giải thích thích thêm: “Tiềm năng thị trường còn rất lớn cho những nhà bán lẻ thực sự lắng nghe và thấu hiểu khách hàng của họ. Chúng tôi rất chú ý đến những gì người tiêu dùng đang mua từ chúng tôi và nước ngoài để xác định sản phẩm, bộ sưu tập và thương hiệu nào đang được yêu thích.”

Khi nền kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng, dân số tầng lớp trung lưu mở rộng và quá trình đô thị hóa diễn ra, những điểm mua sắm mới sẽ xuất hiện, không chỉ ở các thành phố lớn mà còn ở các tỉnh lẻ. Thương hiệu nào thích ứng được với các thay đổi, có được các chiến lược hiệu quả cho thị trường Việt Nam sẽ có tiềm năng thịnh vượng trong lĩnh vực bán lẻ cao cấp đang lớn mạnh của đất nước.

Bài viết được thực hiện bởi VnEconomy, ngày 14 tháng 8 năm 2023. Độc giả có thể xem thêm link bài gốc tại đây.

Xem thêm:

  1. Tham Vọng Xây Dựng Nhà Bán Lẻ Thời Trang Tỉ USD Của Nữ Tướng Maison RMI
  2. Làm Việc Ở Phòng Nhân Sự Tại Maison RMI Có Gì Thú Vị
  3. Điều Gì Khiến Maison RMI Là Một Nơi Lý Tưởng Để Trau Dồi Kĩ Năng Và Phát Triển Sự Nghiệp

 

– Maison Corporation Communication Team –