Logo 1

CEO của tập đoàn phân phối thời trang Mai Son – Phạm Thị Mai Son: Bản năng trời phú

Người ta vẫn thường dùng từ năng khiếu để chỉ những ai có khả năng thiên bẩm về nghệ thuậ. Tuy nhiên, xin được dùng từ năng khiếu khi viết về Mai Son cho sự nhạy bén, thị hiếu và xu hướng cũng như khả năng điều hành kinh doanh thượng thừa của chị.

“Nàng dâu thảo” của thị trường Việt

Thưa chị, nếu xem thị trường thời trang Việt như một chiếc bánh tròn thì công ty Mai Son sẽ chiếm mấy phần của chiếc bánh ấy và con số này nói lên điều gì, thưa chị?

Nhìn chung, thị trường thời trang Việt cũng rất rộng với nhiều phân khúc khác nhau, vì vậy, thực sự chúng tôi không có căn cứ chính xác để có thể trả lời câu hỏi này. Bởi, nhắc đến thời trang là nhắc đến một lĩnh vực bao quát và rộng lớn chứ không đơn thuần chỉ là kinh doanh quần áo, phụ kiện…

 

Vâng, nhưng sau nhiều năm ai cũng thấy rõ sự thành công của Mai Son trên thị trường bán lẻ Việt Nam và hơn ai hết, việc hiểu khách hàng là điều chị đã làm rất giỏi, có phải thế không?

Có lẽ tất cả xuất phát từ niềm đam mê thời trang bởi khi thích và yêu nó mình sẽ biết thương hiệu nào, phong cách thiết kế ra sao sẽ phù hợp với người tiêu dùng Việt Nam đồng thời mang lại hiệu quả kinh doanh. “Làm dâu trăm họ” đúng là không hề đơn giản. Tuy nhiên, vì sinh ra, lớn lên và sống ở Việt Nam nên tôi rất hiểu người Việt đồng thời từ nhu cầu của chính bản thân mình tôi càng hiểu rõ nhu cầu của đối tượng khách hàng mình hướng tới.

Nhiều người nghĩ rằng, tôi thường dành thời gian ngồi ở văn phòng để điều hành công việc, thực tế ngược lại. Tôi đi rất nhiều và thường xuyên tiếp xúc với rất nhiều khách hàng. Thậm chí, tôi còn hiểu khách hàng hơn cả nhân viên ở cửa hàng. Bất cứ khi nào, tôi cũng để tâm  quan sát, chú ý khách hàng xem cách họ mua sắm và phong cách mà họ thường chọn (màu sắc, kiểu dáng, chất liệu…). Ngoài ra, việc trò chuyện với những người bạn, các khách hàng thân thiết cũng giúp tôi biết họ nhận xét thế nào về bộ sưu tập mới, giá cả có phù hợp không… Những thứ khách hàng chọn chính là điều họ cần và muốn, và chúng tôi chỉ việc đáp ứng.

 

Có lẽ vì vậy chị được xem là nàng “dâu thảo” của khách hàng Việt, nhưng tôi lại muốn nhìn chị như một người phụ nữ đã có công đầu trong việc định hướng thời trang và hướng đại đa số người Việt đến việc ăn mặc đẹp hơn, có gu hơn. Chị thấy cách nhìn này thế nào?

Có lẽ cũng đúng đấy! (cười). Trước đây, không phải ai cũng có cơ hội mua sắm trang phục hay sở hữu những sản phẩm thuộc thương hiệu mình yêu thích ngay khi các bộ sưu tập vừa ra mắt. Họ cũng không có nhiều sự lựa chọn để tạo nên các phong cách thời trang khác nhau. Thế nên, việc chọn và lần lượt đưa những thương hiệu trung và cao cấp về Việt Nam, Mai Son giúp người tiêu dùng có nhiều cơ hội hơn để mua được món mình thích và cập nhật xu hướng thế giới. Có thể sở hữu hàng hiệu dù thu nhập không cao nhờ các chương trình ưu đãi theo mùa, bạn cũng sẽ rất thích… Khi mọi người đều mặc đẹp, quanh mình sẽ đẹp và cuộc sống cũng thú vị hơn.

 

Bên cạnh đó, các nhà bán lẻ nói chung ở Việt Nam hiện đang gặp thách thức lớn với từng thương hiệu, khi doanh số đủ lớn thì thương hiệu phải chịu áp lực đầu tư tài chính, tăng trưởng doanh số hoặc tách ra hoạt động riêng. Trong trường hợp này, cách của chị sẽ là gì?

Nếu kinh doanh thời trang chuyên nghiệp, công ty bán lẻ hoặc được gọi là nhượng quyền sẽ phải có bước chuẩn bị rất kỹ trong việc đưa ra kế hoạch kinh doanh, mô tả chi tiết về thị trường Việt Nam cũng như kế hoạch nâng số lượng cửa hàng trong vòng 3 năm với công ty mẹ. Nếu được thông qua và được cho là có tính khả thi, công ty bán lẻ sẽ hoàn toàn tự tin và yên tâm khi đưa một thương hiệu mới về Việt Nam.

Dĩ nhiên, về phía mình nhà đầu tư chuyên nghiệp cũng phải chuẩn bị kỹ về tài chính để tránh rơi vào tình trạng khó khăn hoặc áp lực tài chính. Thực ra, bất kỳ lĩnh vực kinh doanh nào cũng đều phải chịu áp lực từ nhiều phía chứ không riêng mặt tài chính.

 

Quả là vậy, tuy nhiên tiềm lực tài chính luôn được xem là bệ phóng tốt cho các doanh nhân khi khởi nghiệp và ngành bán lẻ thời trang, đặc biệt hướng tới giới trẻ đã và đang cuốn hút khá nhiều phụ nữ tham gia, chị có lời khuyên gì cho cho họ trong buổi đầu khởi nghiệp?

Trước khi đến với kinh doanh, tôi là một tiếp viên hàng không và nghề nghiệp đã cho tôi cơ hội được đi đây đó, được nhìn ngắm rất nhiều người ăn mặc đẹp ở những thành phố lớn trên thế giới. Tôi vốn đam mê thời trang nên việc kinh doanh thời trang cũng đến rất tình cờ. Thời điểm cách đây khoảng 15 năm, ở Việt Nam hầu như ít ai nghĩ đến việc đưa các thương hiệu thời trang quốc tế về nước. Trong khi đó, tôi nhận thấy nhu cầu ăn mặc đẹp, nhu cầu cập nhật xu hướng thời trang quốc tế của người dân tại các thành phố là có thật và rất lớn. Khi bắt đầu, phải nói rằng dù chưa từng kinh doanh nhưng công việc này thực sự đã thu hút tôi rất nhiều, khiến tôi không ngừng học hỏi và quyết tâm chinh phục bằng lòng đam mê thời trang của mình.

Về tiềm lực tài chính hay nói cụ thể là nguồn vốn, khi quyết định theo đuổi kinh doanh bạn phải chuẩn bị thật tốt. Tuy nhiên, tôi chỉ muốn khuyên rằng, nếu muốn thành công bạn cần phải thực sự say mê và không nản lòng khi gặp khó khăn bởi không có sự thành công nào thiếu vắng niềm hăng say lao động hay lòng đam mê dành cho nó.

 

Thưa chị, hiện tại các doanh nghiệp đang rất quan tâm đến Hiệp định thương mại tự do TPP, theo chị Hiệp định sẽ mang đến cơ hội thế nào cho ngành bán lẻ thời trang? Để thích ứng, chị và công ty đã có những bước chuẩn bị thế nào?

Hầu hết các doanh nghiệp đều biết rằng Hiệp định thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương TPP là Hiệp định hợp tác kinh tế giữa 12 quốc gia thành viên và sẽ mang đến nhiều cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp cũng như tạo nên vận hội mới cho đất nước. Không nằm ngoài dòng chảy đó, chúng tôi đang từng bước chuẩn bị rất kỹ càng cho sự phát triển lâu dài của doanh nghiệp trước khi Hiệp định chính thức có hiệu lực.

 

“Nếu muốn thành công bạn cần phải thực sự say mê và không nản lòng khi gặp khó khăn bởi không có sự thành công nào thiếu vắng niềm hăng say lao động hay lòng đam mê dành cho nó”.

 

Không phân biệt cấp bậc

Về mặt quản lý, có nhiều nữ lãnh đạo đã chọn cách tự xây quanh mình một bức tường vô hình và phong cách “thép” với nhân viên. Chị có cho rằng đó là cách làm khôn ngoan?

Đối với riêng tôi, cho dù mình là ai và ở vị trí nào thì điều quan trọng là bạn phải được mọi người yêu mến, đồng lòng hỗ trợ trong công việc. Bạn phải khiến họ sẵn sàng chia sẻ những khó khăn đang phải đối mặt trong công việc để bạn có thể hiểu họ nhiều hơn đồng thời giúp họ vượt qua khó khăn, vướng mắc đó nhằm giúp họ yên tâm đóng góp nhiều hơn cho doanh nghiệp.

Tôi chưa bao giờ phân biệt cấp bậc hay thiếu thân thiện trong cách cư xử với cấp dưới. Với tôi, mỗi một nhân viên đều là những cá nhân nắm giữ những vai trò rất quan trọng và cùng đồng hành với mình vì sự phát triển ngày một tốt hơn.

 

Thế, cách quản lý nào được chị áp dụng nhằm đạt hiệu quả cao, nhất là khi Mai Son là một công ty mang tầm vóc không nhỏ với rất nhiều thương hiệu và kênh phân phối khác nhau?

Điều quan trọng nhất khi công ty ngày càng phát triển với tốc độ nhanh là người lãnh đạo cần hiểu rõ tầm quan trọng của việc chuyên nghiệp hóa từng khâu, từng bộ phận từ nhỏ đến lớn. Không chỉ vậy, phải luôn cập nhật những kỹ thuật tiên tiến đã được áp dụng thành công ở các công ty bán lẻ hàng đầu thế giới để bắt kịp xu thế, giúp hệ thống sẽ trở nên chuyên nghiệp hơn, tiết kiệm thời gian nhưng vẫn nâng cao hiệu quả công việc.

 

Là một người ít xuất hiện trước truyền thông hay tại những sự kiện, tuy nhiên trong giới thạo tin, mấy ai chưa từng nghe danh chị. Họ còn nói, chị có gu tuyển nhân viên rất độc đáo. Vậy làm sao để “lọt vào mắt xanh” của chị?

Về việc tuyển dụng, tôi nghĩ mỗi doanh nghiệp đều có một phương pháp riêng đặc thù để tuyển được những nhân sự tốt và phù hợp nhất. Mai Son cũng không ngoại lệ. Chúng tôi có nhiều cách tuyển nhân viên chẳng hạn thông qua các head hunter, qua quen biết hoặc được giới thiệu từ bạn bè, qua mạng LinkedIn hoặc cũng có thể tình cờ gặp ở sự kiện nào đó… Còn vấn đề “lọt vào mắt xanh” có vẻ cảm tính quá, tôi nghĩ còn tùy từng trường hợp chứ không phải tất cả (cười lớn). Cảm quan và cảm nhận ban đầu cũng rất quan trọng, bởi thế người ta thường bảo còn phụ thuộc “ấn tượng lần gặp đầu tiên” nữa đấy!

 

Chỉ cần thấy đẹp và tự tin là được

Bên cạnh khả năng quản lý và tầm nhìn dành cho doanh nghiệp, người ta cũng hay nói về người đứng đầu Mai Son như một biểu tượng thời trang Việt với cá tính rất riêng. Thế nếu chị tự định nghĩa phong cách thời trang yêu thích của mình, thì đó sẽ là gì?

Khó để mô tả hoặc định nghĩa chính xác lắm. Hiện tại tôi sở hữu nhiều thiết kế đến từ các kinh đô thời trang như: New York, Milan, Paris, London… và tôi yêu thích tất cả vì mỗi thương hiệu, mỗi quốc gia đều có những nét độc đáo và tạo nên phong cách rất riêng.

Tôi nghĩ, quan trọng là chọn được bộ trang phục đơn giản nhưng hợp với hình thể và phong cách mình muốn tạo nên ở mỗi không gian, hoàn cảnh khác nhau. Do đó, việc phối hợp giữa trang phục, phụ kiện và các yếu tố khác cũng cần một chút nhạy cảm với thời trang. Với tôi, dường như thời trang đã trở thành bản năng tự nhiên, nên khi nhìn vào tủ đồ hoặc xem các bộ sưu tập, tôi sẽ biết “mix” sao cho phù hợp, “fashionable” mà không mất quá nhiều thời gian.

 

Thực tế cho thấy, nhiều nữ doanh nhân Việt hiện vẫn chưa thực sự tạo được phong cách riêng về thời trang và lý do thường là phải dành nhiều thời gian đầu tư cho công việc, gia đình, con cái. Chị nghĩ sao về điều này?

Tôi nghĩ, phong cách thời trang là xu hướng ăn mặc của từng người khi nó phù hợp với sở thích riêng, do vậy mỗi người đều có một phong cách riêng. Không phải trong mắt mình họ mặc không đẹp thì bảo họ không có phong cách riêng. Điều quan trọng là, bản thân họ cảm thấy đẹp, thoải mái và tự tin với phong cách mình tạo nên là được.

 

Rõ ràng chị yêu bản thân, chưa bao giờ thấy nhàm chán công việc và luôn tận hưởng cuộc sống mỗi ngày, nhưng hỏi thật, liệu chị có nghĩ mình từng hoặc đang bỏ lỡ điều gì đó không, chẳng hạn một gia đình nhỏ trọn vẹn hơn?

Mọi thứ đều có cái giá của nó và tôi luôn thấu hiểu rằng mình sẽ cần làm gì để cân bằng cuộc sống gia đình và sự nghiệp được hoàn thiện hơn. Trong công việc cũng như cuộc sống, nếu không biết tự cân bằng sẽ không đạt hiệu quả cũng như không thể kiểm soát tốt được.

Vâng, cảm ơn chị!

Bài phỏng vấn được thực hiện bởi Tạp chí Nữ Doanh Nhân.

Phỏng vấn: T. Xuân

Sáng tạo: Hiepleduc

Hình ảnh: Bobby Nguyễn

Trang điểm: Tuấn Nguyễn

Stylist: Sid Chung