Đội ngũ biên tập của Harper’s Bazaar – một trong những tạp chí thời trang lớn nhất trên thế giới đã len lỏi từng góc phố Hà Nội và thốt lên rằng: Hà Nội chẳng khác nào Paris của riêng đất nước hình chữ S. Dưới đây là toàn bộ bài viết được chuyển thể sang tiếng Việt.
Trong nhiều thế kỉ, “nhà thiết kế thời trang” ở Việt Nam thường được hiểu như là “thợ may đồ”. Tuy nhiên, ngày nay, một đội ngũ sáng tạo thời trang sành điệu và đẳng cấp đã định nghĩa lại thuật ngữ này, mang một ý nghĩa mới lạ hơn so với trước kia.
Các loại vải từ Pháp, Trung Quốc và vải truyền thống của Việt Nam đều quy tụ về thủ đô Hà Nội, từ đó tạo nên một thành phố năng động với những cửa hàng thời trang bình dân nhưng lại có chất lượng cao cấp và thiết kế hiện đại. Tuy rằng khó có thể nói Hà Nội thay thế cho các biểu tượng thời trang cao cấp của Paris hay Milan, nhưng thực tế rằng Hà Nội cũng không cần cố gắng để trở thành như vậy. Đơn giản vì thủ đô này đã tạo nên sức quyến rũ riêng biệt đối với khách hàng nhờ sự mộc mạc nguyên sơ và phù hợp với ví tiền của nhiều người hơn so với những thủ đô thời trang nổi tiếng khác.
Chuyến du lịch với vai trò của một tổng biên tập
Vũ Thảo – người đã tạo nên thương hiệu Kilomet109, một nhãn hàng cho ra đời những thiết kế thân thiện với môi trường để cam kết bảo tồn nền văn hóa thời trang Việt Nam cũng như kế thừa cách dệt vải truyền thống của đất nước. Khăn choàng lụa họa tiết, áo voan hai dây, áo chần bông, váy gai dài, và quần ống loe lưng cao thập niên 70 là những bộ sưu tập đặc trưng của họ. Mỗi một thiết kế đều được làm thủ công bởi sự cộng tác của những người phụ nữ dân tộc thiểu số Nùng, Thái và H’mong. Phương pháp truyền thống được áp dụng để sản xuất thuốc nhuộm hữu cơ, thuốc tẩy và sợi để rồi được se và dệt để trở thành vải. Thảo sử dụng sáp ong để làm lối in hoa batic (bôi sáp ong lên những chỗ không muốn nhuộm màu), áp dụng cách thêu của triều đình cổ xưa từ tỉnh Hà Tây và mời những nghệ nhân làng để se tơ hai mặt bằng kỹ thuật gia truyền.
Thảo chia sẻ rằng: “Con người ngày nay đang tìm kiếm một thứ gì đó độc đáo và có giá trị. Điều đó không nằm ở bề nổi, mà là văn hóa, câu chuyện, con người và cả môi trường sống đằng sau nó”. Nếu định nghĩa thời trang truyền thống là phong tục, lối may mặc thủ công thì Thảo có thể xem như người góp phần nâng tầm thời trang truyền thống đến đỉnh cao tại Hà Nội. Để làm được điều đó, bí quyết của cô chính là sáng tạo trang phục từ chất liệu vải bông, những cái móc treo đồ bằng gỗ để định hình đường cắt và tạo mẫu thiết kế. Thỉnh thoảng cô thêm thắt sợi kéo khóa để tạo điểm nhấn cho bộ trang phục.
Những thiết kế đơn giản của Thảo mang lại cảm giác phi giới tính và hiện đại hơn. Cùng với đội ngũ nhà thiết kế trẻ và đầy triển vọng như Ngô Thái Bảo Loan để bung tỏa những sáng tạo hiện đại hơn như việc ứng dụng xu hướng tối giản, bất đối xứng, color block, trang phục oversize và sản phẩm may thủ công.
Diego Cortizas – kiến trúc sư và nhà thiết kế thời trang người Tây Ban Nha – chủ thường hiệu Chula và Mai Phương (nhà thiết kế trong nước) là dẫn chứng đầy thành công đại diện cho thương hiệu thời trang truyền thống nổi tiếng mang tên aN.
“aN” có một cửa hàng hai tầng nằm trên một con phố tại Hà Nội đông đúc, ở giữa chợ cổ Thủ đô và khu phố Pháp, nơi có những mái ngói bằng đất sét và cửa mái hắt – dấu tích minh chứng của một thời kì lịch sử hào hùng. Cửa hàng được xây dựng với sàn nhà lát gạch vuông, gỗ đen và vải lanh truyền thống của Việt Nam. Nó bày bán mọi thứ từ đồ nghệ thuật cổ điển của Việt Nam đến những chiếc quần nông dân cách tân, chiếc túi da sang trọng có thể sánh ngang với các thương hiệu Ý cả về chất lượng lẫn mẫu mã.
Mai Phương bắt đầu dấn thân vào sự nghiệp thời trang bằng việc tự học thiết kế quần áo, túi và giày cho bản thân. Sau đó, vào hai năm trước, cô quyết định bắt đầu bán sản phẩm của mình nhằm khuyến khích phát triển các ngành nghề thủ công và đưa ra cho người dân thành phố một lối thiết kế hoàn hảo hơn. “Truyền thống, đơn giản, tự nhiên. Tôi cố gắng làm việc với những suy nghĩ này trong đầu”, Phương nói. Cô cũng cho biết mình lấy cảm hứng từ công trình kiến trúc và lối thiết kế đơn giản của Nhật Bản. Nhiều bản vẽ của aN đã trở nên phổ biến ở cộng đồng thiết kế Hà Nội, và được ưa chuộng bởi khách du lịch từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Châu Âu. Họ đang tìm kiếm trang phục da chất lượng, những chiếc váy du mục, váy nhung đơn giản và dễ mặc hằng ngày.
Thêm một mách nhỏ với bạn, gần boutique aN còn có nhà hàng Motosan chuyên bán mì ramen và bánh mì do người bạn của Phương, Nguyễn Duy Đức sáng lập. Ngoài ra, anh ấy còn sở hữu Tadioto, một quán nước được yêu thích ở Hà Nội. Tadioto là một nơi tuyệt vời để thưởng thức rượu vang và whisky cho những buổi tối ấm áp, cùng với thịt đông hoặc món canh khoai môn ướp lạnh trong một không gian nội thất thủ công đầy chất nghệ thuật.
Việc mua sắm ở Hà Nội không hề dễ dàng như một cuộc dạo chơi xuống đường phố, mà khách hàng thích tìm đến những nơi bí mật, bao gồm hàng loạt các món hàng tự thiết kế và cả những món đồ được lấy cảm hứng từ quê hương.
Thảo chia sẻ: “Hiện tại, người Việt đã bắt đầu du lịch nhiều hơn, và mạng internet, mạng xã hội khiến mọi thứ đều liên kết với nhau! Chúng tôi như đang choàng tỉnh sau một giấc mộng dài và tạo nên những biến đổi lớn gấp 10 lần trước đây. Những nơi khác đã vô cùng phát triển, nhưng ở đây chúng ta cũng có rất nhiều thứ mới mẻ để mở ra một con đường phát triển mới cho thời trang truyền trống của dân tộc”.