Dưới đây là những cách để đối phó với những vị sếp mỗi khi họ nổi cơn giận.
Việc vượt qua những cơn thịnh nộ khủng khiếp của sếp trong công việc không phải là điều bất khả thi , nhưng mọi thứ dường như vẫn chưa được giải quyết triệt để. Vì thế, dưới đây là những bí quyết giúp bạn vượt qua tình huống phức tạp này, tùy thuộc vào kiểu sếp giận dữ mà bạn đang phải đối mặt.
1. Người Khổng Lồ Xanh (The Hulk)
Phát nổ đột ngột và thường xuyên, nhưng cơn giận cũng nhanh chóng tiêu tan.
Chen Hui – một luật sư 33 tuổi chia sẻ rằng: “Một điểm tốt ở sếp của tôi chính là anh ấy sẵn sàng lắng nghe và tiếp nhận ý kiến sau khi đã bình tĩnh lại. Tôi nói với anh ấy rằng tôi hiểu vì sao anh ấy thất vọng, và chứng minh cho sếp thấy rằng tôi đang làm mọi thứ để có thể khắc phục và chỉnh sửa”. Điều quan trọng nhất là đừng để cho sếp trả lời lại.
Bạn hãy quen với việc nghe tai này, lọt tai kia, giữ bình tĩnh và tiếp tục chịu cơn thịnh nộ của sếp. Còn nếu trong trường hợp xấu nhất, hãy lên kế hoạch cho một cuộc họp với khách hàng vào phút chót, nhờ đó màng nhĩ của bạn sẽ được giải thoát.
2. Nữ hoàng băng giá
Thái độ lạnh lùng và bực dọc khó hiểu ngay cả khi đang tức giận.
Lynn Chang – một giám đốc marketing chia sẻ rằng: “Tôi là người chủ động trước và thường xuyên kiểm tra công việc với cấp trên, đặc biệt là khi tôi nghi ngờ anh ấy đang tức giận”. Hãy nhớ bằng bạn không bao giờ đập tan hoàn toàn cơn lạnh lùng của họ, vì vậy hãy tiếp tục cuộc trò chuyện và thực hiện công việc trao đổi.
Lynn cũng chia sẻ thêm rằng cô ấy đã ngừng làm phiền sếp với những cuộc trò chuyện thân mật, sau khi nhận ra rằng sếp vốn dĩ không có hứng thú với việc trở thành bạn bè với cô ấy. Do đó, bạn chỉ cần cố gắng làm việc với sếp và nên báo cáo những điều tích cực.
3. Người cảm thấy không an toàn
Họ cảm thấy vị trí của mình bị đe dọa bởi những người trẻ và có cơ hội thăng tiến đột ngột. Do đó họ thường xuyên phát bực và làm khó nhân viên mà không có lý do chính đáng.
Không điều gì khiến sếp cảm thấy khó chịu và phiền phức hơn việc nhìn thấy các nhân viên của mình tụm lại tán gẫu và cười khúc khích trong góc. Vì vậy, bạn hãy giảm bớt những cuộc trò chuyện nhàn rỗi ấy đến mức tối thiểu và luôn giữ thái độ chuyên nghiệp.
Cheryl Teo – một nhà phân tích kỹ thuật số chia sẻ rằng: “Sếp mới của tôi luôn cảm thấy cần phải khẳng định quyền lực của mình trong mỗi cuộc họp. Tôi đã hành xử một cách hoàn hảo và cố gắng khiến cho cô ấy cảm thấy rằng cô ấy chiếm vị trí rất quan trọng bằng cách hỏi ý kiến của cô ấy trong công việc”.
4. Người hung hăng một cách thụ động
Thường có những hành vi, thái độ mỉa mai và sử dụng mưu kế sỉ nhục người khác mỗi khi tức giận.
Đừng để bản thân bị hút vào vòng xoáy của những lời mỉa mai, châm biếm và không bao giờ để cho chúng khiến bạn mất bình tĩnh. Stella Chang – một giám đốc phòng trưng bày chia sẻ rằng: “Tôi buộc bản thân mình phải nghĩ đến một bữa tối tuyệt vời mà tôi sẽ tận hưởng ngay sau đó và không để cho ông chủ hủy hoại một ngày vui vẻ của tôi”.
5. Người kiểm soát những tiểu tiết
Hay để ý đến tiểu tiết và thường bị làm phiền bởi những chi tiết vụn vặt, không quan trọng.
Không giống như những kiểu sếp khác chỉ muốn để bạn giải quyết một mình, vị sếp này sẽ không cảm thấy phiền nếu bạn liên tục quấy rối anh ấy vì những chuyện sửa đổi, cập nhập trong công việc. Genette Koh chia sẻ rằng: “Tôi phụ trách việc nâng cấp dự án lên một cấp độ hoàn toàn mới. Tôi đã trình bày điều đó với sếp của mình một cách thật chi tiết, khiến anh ấy cảm thấy choáng váng và không có sự lựa chọn nào khoác ngoài việc để tôi tiếp tục tiến hành công việc của mình”.
Một số sếp có thói quen chú ý đến những điều nhỏ nhặt vì họ không tin tưởng vào cấp dưới của mình có thể hoàn thành công việc. Vì thế, việc trình bày liên tục và dồn dập những bản báo cáo với sếp sẽ xoa dịu nỗi lo lắng và khiến cho sếp tin tưởng vào nhân viên hơn.
6. Kẻ độc tài
Đưa ra những quy tắc với sự sợ hãi và nắm đấm sắt.
S.Wong – một nhà nghiên cứu chia sẻ: “Nếu tôi biết sếp đang có tâm trạng tồi tệ, tôi sẽ không bao giờ có buổi trò chuyện một đối một với anh ấy. Tôi luôn đảm bảo rằng phải có đồng nghiệp ở xung quanh như là một vật đệm cho cơn thịnh nộ của ông chủ hoặc là người trung gian. Bên cạnh đó, tôi cũng đảm bảo rằng mình phải dự đoán và chuẩn bị sẵn câu trả lời cho tất cả những câu hỏi có thể được sếp đưa ra trước khi gặp anh ấy”.