Logo 1

Người tô son lên gót đàn bà

 “Một đôi giày hoàn hảo, một chiếc váy khéo cắt và một tình quân si mê – đó là tất cả những gì cần có để làm nên một người đàn bà đẹp.” Đó là một câu nói chỉ có thể được nói ra từ một vĩ nhân đã chết: Coco Chanel, Yves Saint Laurent hay Christian Lacroix hay ngài Dior.

Nhưng đó là một tông đồ… còn sống, nắm trong tay một đế chế phú vượng chỉ trong 21 năm. Mới đây, người ta lại vừa mới khai trương một boutique chánh hãng tại Việt Nam, để những cú nện gót điệu nghệ đóng dấu son mang chữ ký Louboutin có thể cùng lúc ghi dấu giữa lòng phố lớn Manhattan trải dài đến tận hòn ngọc Viễn Đông, hòa trong cơn sùng bái mê muội chung trên toàn thế giới.

Từ Những Đôi Giày Bị Cấm Đến Cô Gái Điếm Ở Paris

Cậu bé Christian sinh ra trong một gia đình với cha là thợ mộc, các chị em gái thích đi những đôi giày đế gỗ lóc cóc, và người mẹ hiền lành không hề là tín đồ của giày cao gót.

Những đôi giày với chức năng không chỉ để bảo vệ bàn chân chỉ bắt đầu đến với Christian Louboutin khi cậu 13 tuổi, cùng đám con trai cùng tuổi kéo nhau đến tiệm nhảy Le Palace. Trong khi những cậu trai hiếu kì ngắm thân hình các vũ nữ trên sân khấu, Christian ngơ ngẩn đắm đuối ngắm những đôi chân của họ: “Cho đến tận bây giờ, những đôi giày của tôi vẫn thấp thoáng dáng vẻ của Le Palace ngày ấy, cái thời của disco, với kim tuyến, và những mảnh kim loại”.

“Việc lớn lên trong một gia đình mẫu hệ với mẹ và 4 chị em gái, tôi học về phụ nữ từ rất sớm: cách họ tự nhìn nhận bản thân, cách họ đưa tay chỉnh chiếc gương soi, v.v… Và tôi thấy bầu không khí, mọi thứ xung quanh họ – những người đàn bà, thật thân thuộc với tôi. Chẳng lạ gì, bởi họ sinh ra tôi và tạo dựng thẩm mỹ tiềm thức của tôi.

Như sáng nay chẳng hạn, chúng tôi kiểm định thiết kế một đôi biker’s boots. Tôi băn khoăn tự hỏi: Cái thể loại đàn bà nào lại muốn quấn quanh cổ chân mình hai miếng quai da dày cui như vậy chứ? Thế này nhé, nếu bạn có đôi chân mảnh dẻ, bạn sẽ muốn khoe nó ra. Còn nếu bạn có đôi cổ chân to như cổ lực sĩ, bạn lại càng không muốn nhân đôi thảm họa đó. Cả ê-kíp của tôi trầm trồ tiếc rẻ: ‘Nhưng đây quả là một thiết kế đẹp quá chừng!’ Rõ rồi, thiết kế đôi boots ấy quả là có đẹp, nhưng người đàn bà mới là thứ cần đẹp hơn đôi giày của cô ấy. Tôi là vậy đó, cái đẹp quyết định cho thời trang. Đôi giày không thể được coi là hoàn thiện chừng nào nó còn chưa được xỏ vào chân. Nếu khi đó, trông nó không còn đẹp đẽ như trên thiết kế, thì đó là một đôi giày tồi và một thiết kế thất bại.

Nhưng một trong những đôi giày hằn sâu vào ký ức Christian Louboutin lại được nhìn thấy ở một bảo tàng viện, nhưng không phải dưới dạng một mẫu vật được trưng bày, mà ở bảng nội quy treo ở cửa ra vào: “Cấm đi giày cao gót”. Cạnh đó người ta cẩn thận vẽ một đôi giày minh họa.

Bản vẽ và dòng chữ ám ảnh Louboutin, và ông bắt đầu vẽ những đôi giày. Ông vẽ đi vẽ lại đôi giày nhìn thấy trên bảng cấm nọ, rồi một ngày ông giật mình nhìn thấy chính đôi giày đó, hiện hữu hẳn hòi, dưới chân một người đàn bà đi dạo trong công viên ở Paris: “Tôi lẵng nhẵng bám theo chỉ để chăm chú nhìn vào đôi giày. Thật kì diệu: chúng đang ‘sống’, có thật, và chuyển động! Tôi như bị thôi miên và đi miết theo đôi giày (có người phụ nữ trên đó) cho đến khi bị người ta tống cổ ra khỏi công viên. Lúc đó tôi mới hay người đàn bà nọ là một cô gái điếm.”

Cuộc gặp gỡ ngoạn mục với đôi giày ấy đã ấn định rằng thời trang thế giới chuẩn bị đón chờ sự xuất hiện của một Christian Louboutin.

Không được trải qua việc đào luyện bài bản về mỹ thuật và thiết kế, thay vì như mọi nhà thiết kế cùng thời là chọn phụ việc cho một tiệm thời trang đương thịnh nào đó, Christian Louboutin, khi này 17 tuổi, xin được chân phụ việc trong phòng phục trang của tiệm nhảy Folies Bergère, giữa những nàng vũ công với những kiểu mũ cầu kì, những chiếc váy nóng bỏng, những lớp trang điểm công phu và những chuyển động yểu điệu được kiến tạo và nâng đỡ trên những đôi giày.

Christian Louboutin tiếp tục xin việc trợ lý với Charles Jourdan, Chanel và Yves Saint Laurent, và nhanh chóng nghỉ việc: “Tôi là một trợ lí tồi. Làm trợ lí là phải trợ lí, còn tôi chỉ muốn làm việc của mình theo cách riêng.” Và cửa hiệu nhỏ đầu tiên được mở ra ở một ngõ phố cổ của Paris, đến nay vẫn là sở hội chánh của nhà Louboutin, với niềm kiêu hãnh non nớt nhưng hùng mạnh “since 1991”.

 

Mật mã Louboutin: Pantone 18 Chinese Red
“Những bức vẽ đầu tay của tôi hồi đó luôn đầy màu sắc sặc sỡ, nhưng khi đưa đi thực hiện mẫu vật đầu tiên, tôi nhận chúng về, bên dưới là phần đế đen xì dày cộm. Ơn Trời, cô trợ lí của tôi lúc đó đang ngồi sơn móng tay. Tôi vơ lấy chai sơn, cô ta hét lên tru tréo: ‘cẩn thận, cái đó mắc lắm đó!’ Tôi phải hứa sẽ mua đền lọ khác, rồi sơn bừa màu đỏ thắm ấy lên đôi đế giày. Như một cú shock điện vậy, đôi giày như được hô hấp nhân tạo, chúng hồi sinh! Tôi đã nghĩ tiếp ra trò đổi màu đế theo từng mùa, nhưng cuối cùng, đỏ không chỉ là một màu. Nó là một thái độ!”

Theo nhiều cách diễn giải khác, màu đỏ là biểu tượng của máu, tình yêu, năng lượng cảm xúc. Nhưng với Louboutin, Đỏ là một thứ đèn xanh tâm lí, một sự mời gọi đầy cảnh báo. Nhưng sắc độ 18 trên bảng mã Pantone được mệnh danh là Đỏ Trung Hoa (Chinese Red), dưới tay Louboutin cũng là dấu hiệu của những bước chân đến và đi, hoàn toàn chủ động một cách quyến rũ. Như lời giã từ ngạo nghễ của các cuộc chia tay màu nữ quyền, trên nền ca khúc của Jennifer Lopez “Throwing on my Louboutins, watch these red bottoms, and the back of my jeans. Watch me go, bye baby” (Xỏ chân vô đôi Louboutin, dòm cặp đế đỏ nè, nhìn vào phía sau chiếc quần jeans. Coi em đi nè, chào cưng!)

Với ma lực và mãi lực của những cặp đế đỏ kì diệu, hẳn nhiên nhà Louboutin nhảy đùng đùng vác chiếu đâm đơn đòi kiện cho ra nhẽ nhà Yves Saint Laurent, vốn bấy lâu là hảo hữu, vì việc táy máy đưa cặp đế đỏ trứ danh nọ vào bộ sựu tập mới tung ra gần đây. Nhà Yves Saint Laurent cứng cựa vác bài bản ra cãi lại rằng đế đỏ có phải đâu riêng nhà nào, rằng thì là ai dùng chẳng thế, bởi thật sự ra chúng đã xuất hiện từ thời Christian Louboutin còn ở nơi xa lắm, cụ thể thời Louis XIV đâu đó những năm 1600, với chứng cớ rành rành là…bộ phục trang của nhân vật Dorothy trong phim The Wizard of Oz (sản xuất năm 1939).

Cả giới thời trang cự nự la ó trước viễn cảnh Christian Louboutin sẽ độc chiếm mã 18 bảng Pantone và thả sức phạt vạ bất cứ nhà nào sờ phải sắc đỏ này. Ít ra thì Picasso đã chẳng bao giờ đâm đơn kiện Monet tội xài màu chàm trứ danh “của” ông cho mấy bức tranh vẽ hoa súng, và thế giới vẫn được chiêm ngưỡng cả hai bức tuyệt phẩm hội họa.

Vụ kiện tụng đến nay chưa ngã ngũ, nhưng theo một cách nào đó, nhà Yves Saint Laurent cũng không tránh mối quan ngại rằng các sản phẩm của họ sẽ bị nhầm tưởng là mang nhãn nhà Louboutin. Trong giới thời trang đã có một sắc đỏ Valentino, phần số của “màu đỏ Trung Hoa” mã số 18 cũng mặc nhiên đã được định đoạt.

Phán xét cuối cùng không thuộc về tòa.

 

Điệu Tap Dance Ngộ Nghĩnh Của “Vua Đế Đỏ”
Christian Louboutin biến chuyện thường tình guốc dép thành tín ngưỡng bái vật, thành những siêu vật thể vượt chót vót trên tầm tính chức năng, rồi ông ghi luôn tên tuổi Lady Gaga cho đến Oprah Winfrey vào danh sách con nhang đệ tử, bản thân Christian Louboutin lại là một ông lão thủ cựu trong lối sống của riêng mình. Đồng nữ Madonna hay đả nữ Angelina Jolie có khiến cả thế giới trầm trồ khi họ trưng khoe những đôi Louboutin trước rừng flash cũng không khiến ông rung động bằng một phần khi biết rằng vợ của ca sĩ Johnny Halliday cũng ưng chọn hãng giày Louboutin. Ông tấm tắc khoe mãi “Bạn biết không, ở Pháp, Halliday nổi tiếng lắm đó!”

Ông dửng dưng cả với việc thứ tự và tần số xuất hiện của giày Louboutin so với Blahnik và Jimmy Choo trong siêu phẩm truyền hình Sex And The City. Khi được hỏi, ông chỉ lơ mơ trả lời “Tôi đồng ý tham gia vì người ta bảo điều này tốt cho việc kinh thương lắm. Tôi đâu có biết, bởi có khi nào tôi xem TV đâu!”

Điều này giải thích được sự dửng dưng của Christian cả với talkshow khét tiếng của Oprah Winfrey. Vốn là một tín đồ hạng nặng của Louboutin, Oprah xem đây là dịp để thể hiện lòng ngưỡng mộ đến bậc thầy đã làm nên phần rất quan trọng trong hình ảnh trang phục của Madame O’. Đối với mọi công dân Hoa Kỳ, việc làm khách mời của Oprah’s Show có giá trị tương đương với việc được phong tước hiệp sĩ nhân dân vậy, thế mà ông già hủ lậu người Pháp lại chối từ quầy quậy chỉ sau một lần quay vì “họ tới tận Paris bắt tôi ra quay ngoài trời. Lạnh quá, thế là tôi bị bệnh. Nên tới khi họ nghĩ tiếp ra trò tôi đến Chicago, tôi phát cáu: Bộ mấy người khùng hả? Tôi bệnh rồi đây này! Đừng hòng!”

Cách đây vài năm, khi được một nhà tên tuổi trong làng thời trang (ông từ chối tiết lộ danh tánh) mời về trong vai trò tổng lãnh sáng tạo dòng thời trang cao cấp, Louboutin gọi đó là một sự xúc phạm: “Bạn biết không, giày, chúng có nhạc, chúng có nhịp phách, thái độ, âm thanh, chuyển động,… như khiêu vũ vậy. Quần áo thì là chuyện khác. Nếu không làm giày, thì tôi còn bao nhiêu đam mê khác, làm vườn nè, tập nhảy, làm đạo diễn,… Còn thiết kế quần áo ấy hả?…” Ông làm một vẻ mặt đủ để trả lời câu hỏi tu từ đầy thái độ.

Sự khó chịu rất Parisian của Louboutin thật sự trở nên quá quắt khi chấp thuận việc cho ra đời búp bê Louboutin Barbie, với một điều kiện: nhà sản xuất phải bóp nhỏ lại đôi cổ chân thô kệch to tướng của Barbie.

Người ta rùng mình về sự táo tợn này đối với cô búp bê được coi là ốm nhom, dài ngoằng và hợp thời trang nhất trong lịch sử đồ chơi. “Làm ơn bình tĩnh đi, cứ như là cô ấy sẽ bị đau không bằng!”

Nhưng sự khả ái đầy tính dân chủ của Christian Louboutin lại được thể hiện một cách bất ngờ nhất. Trong khi nâng niu những cặp gót sen Vệ nữ, tình yêu của Louboutin dành cho Sarah Jessica Parker cũng trân trọng ngang ngửa với sự chiều chuộng chu đáo ông dành cho bất cứ người đàn bà nào khác.

Trong một lần xuất hiện tại đại lộ Saks Fifth ở New York, ông sẵn lòng hủy cả chuyến bay về Paris để bỏ hai tiếng đồng hồ hào phóng ký tặng lên những đôi giày cho khách hàng. Trong số những tín đồ chờ xin thủ bút của designer huyền thoại, có một người đàn bà thẹn thùa xưng với ông rằng bà “chỉ là một người bình thường làm nghề nội trợ”. Christian Louboutin đã trân trọng ghi tặng lên giày cho cô này dòng chữ “Tặng bà nội trợ quyến rũ thân mến của tôi”. Một cô dâu trẻ tìm đến xin chữ ký, Louboutin lém lỉnh và chu đáo chụp lấy cây viết màu xanh và ký tặng “Cái này là cho một món màu xanh” (theo tục lệ, mỗi cô dâu về nhà chồng phải có trong mình một món đồ cũ, một món đồ mới, một món đồ mượn và một món màu xanh).

Christian Louboutin, với niềm đam mê hạng nhì của mình là du lịch và làm vườn, chỉ cảm thấy an toàn và thoải mái nhất giữa cây kiểng các kiểu, mấy môn thể thao nhè nhẹ và một chút khiêu vũ, đặc biệt là thiết hài, đương nhiên, là với đôi giày nhảy hiệu Louboutin. Khi ông xuất hiện trong clip khiêu vũ của Fashionair với đôi giày nhảy dát đá óng ánh và lấp lóa cặp đế đỏ sau mỗi bước tap dance, khuôn mặt rũ bỏ vẻ lãnh đạm kiêu kỳ rất “dân thời trang Paris”, chỉ còn lại một người đàn ông trung niên hạnh phúc như đứa trẻ, nhẹ tênh và đáng yêu đến mủi lòng. Khó lòng mà tưởng tượng được rằng gã đàn ông với điệu nhảy cổ lỗ sĩ ấy lại chính là bộ óc kì tài của trùm thiết kế vũ khí dụ tình. “Tôi chưa bao giờ ôm mộng trở thành một phần của thế giới thời trang cả, tôi chỉ muốn thiết kế giày. Thậm chí đến khi lớn lên tôi mới biết Vogue là tên một tờ tạp chí”.

 

Đế Bằng, Guốc Gỗ Và Những Cơn Khó Ở Của Christian
Trong nghệ thuật rù quến, giày là một khí cụ tối thượng không thể bỏ qua, Christian Louboutin, hơn ai hết, hiểu rõ điều này. Và đó là nguyên nhân vì sao phụ nữ rên lên trước những đôi giày đế đỏ của ông – bản năng chiến binh khiến họ có thể đánh giá được ngay lập tức món vũ khí đắc dụng. Và để sử dụng giày như những món vũ khí một cách điệu nghệ, người ta phải học. Một cơn rùng mình khủng khiếp sẽ giáng vào nhà Louboutin nếu một quý cô tìm đến với ông và than vãn sao giày quá cao, sao đường viền quá mảnh mai chênh vênh. Với Christian Louboutin, không đôi giày nào là quá cao.

Để giải thích một nỗi ám ảnh trứ danh về những cặp gót cao và lòng miệt thị với đế bằng, Louboutin cho rằng “Bản thân hình dáng và độ cao khác biệt của chiếc gót giày đã đại diện rất nhiều cho nữ chủ nhân của nó. Chỉ với sự nâng cao của gót chân, một động tác đơn giản đến vạy, đã là cả một cuộc tổng quy hoạch han thể, như một cuộc đại phẫu thẩm mỹ vậy. Những lòng bàn chân duỗi thẳng đến uốn cong, những múi cơ đùi bị giật căng, vòng mông vươn cao và gom chặt, cứ thế, những phần cơ thể được tuần tự đặt vào trạng thái của một con mèo vươn vai, dài muốt đến từng ngón tay, và tuyệt đẹp. Những cặp gót, chúng cũng có âm nhạc, những âm thanh rất riêng nói lên rất nhiều về thái độ của nữ chủ nhân, gợi ý về tất cả những chuyển động thân hình ly kì phía trên nó. Hãy nhắm mắt và lắng nghe những tiếng gót giày, chúng biết nói, rất nhịp nhàng và trung thực. Tôi có thể chỉ lắng nghe mà biết đó là pump, boots, gót cao hay gót kitten, gót cuban đặc hay slimheel mảnh dẻ. Tôi “nghe” được cả cái cách mà phần mũi giày ôm lấy các ngón chân ra sao… Cũng như âm nhạc, cũng có những thứ chói tai. Tôi đặc biệt ghét những đôi guốc. Tôi mà làm vua là tôi ban hành lệnh cấm ngay lập tức. Một thứ tạp âm lóc cóc, và roèn roẹt kéo lê khô khốc, lỏng lẻo buông bỏ khỏi những lòng bàn chân. Không dễ thương chút nào, như thể người đàn bà sắp bị tuột khỏi những cặp thiết bị đi bộ bằng gỗ ấy.”

Sexy và đế bệt? Không thành vấn đề. Bởi chiều cao của gót không định đoạt độ “hot” của quý bà! Nhưng đừng mong tìm được điều đó ở những đôi sneaker thân thiện. “Jane Birkin đã từng làm điều đó trở thành hiện thực hồi thập niên 1970, nhưng huyền sử không lặp lại với những đôi sneakers super-techno hiện đại. Những thứ đó nói lên rất nhiều thứ về cá tính, thái độ, tuổi trẻ, sự sung mãn, tính năng vận động,… nhưng tuyệt nhiên không có bất cứ nét nào sexy ở những thiết kế như vậy cả.”

Một trong những điều hành hạ Christian Louboutin còn là trường phái Total Look, với những diva vận nguyên con cùng thương hiệu “Cả hình hài họ như đang đồng loạt biểu tình, dương cao biểu ngữ hàng hiệu và thét lớn tên nhãn hàng. Khủng khiếp. Kinh tởm. Không có gì phản nhân văn hơn thế, đi ngược lại văn minh cá thể như thế! Một tội ác của sự ấu trĩ!”

“Đàn bà Pháp, đúng hơn là đàn bà Paris, là những quý bà kiểu cách và tao nhã. Điều này một phần nhờ vào lịch sử cả trăm năm trải dài những tiệm may, những nhà thời trang, những tên tuổi couturiers lẫy lừng điệu nghệ. Quý bà quý cô ở đây luôn có sự lựa chọn, họ không bao giờ cam chịu làm nạn nhân trung thành của một tiệm duy nhất giữa hàng vạn chào mời của những cung lộ mua sắm hào hoa nhất hành tinh. Nếu giữa Paris mà tôi va phải một bà vận nguyên cây Chanel thì đừng mong thuyết phục tôi rằng bà ta là một diva Paris ái quốc, bởi đó chắc chắn phải là một khách du lịch đến từ phương xa. Rất xa.”

Vậy liệu đối với Louboutin, có đôi giày nào là quá cao?

“Chắc là phải có chứ! Nhưng tôi không đi giày cao gót, tại sao lại phải quan tâm? Tôi ngắm, và kiến tạo nên thứ nhiều người thích ngắm, lựa chọn là của phụ nữ, còn ý kiến của bạn là gì?”

 

 

Cơn Cực Khoái Của Lòng Bàn Chân
Đã từng một thời, nước hoa và mỹ phẩm là vũ khí tài lực tối ưu của thế giới thời trang, giữ kiên cố thịnh vượng cho bao đế chế haute couture và các thiết kế phi-thân thiện. Rồi sau đó là thời của jeans và thời trang dân chủ để duy trì sức sống của thượng tầng thời trang. Còn bây giờ là thời của giày và túi xách – những quả bom tấn có thể định đoạt mãi lực sống còn cho mọi quyền lực thời trang xa xỉ. Christian Louboutin, song hành cùng Manolo Blahnik và Tamara Mellon của Jimmy Choo trở thành bộ tam đa hùng mạnh trấn giữ thị trường giày siêu thượng hạng, nơi những đôi giày có giá trị và ý nghĩa ngang tầm viên ngọc to nhất trên chiếc vương miện thẩm mỹ và đẳng cấp phải được đội kiêu hãnh trên đỉnh những cái đầu vương giả. Đứng giữa thái cực vừa cầu kì đến cực đoan, vừa đơn giản đến thô sơ của Blahnik, và vẻ diêm dúa đỏm dáng hoàng kim của Jimmy Choo, những đôi giày của Louboutin chỉ có một thông điệp duy nhất, thật thà và nặng ký: Sex!

Từ phong cách disco, những đường lượn thót tim nơi ức hỏm của lòng bàn chân nhạy cảm, cho đến sắc đỏ dập dồn ẩn hiện như một thứ mạch máu căng phồng lập lòe đâu đó sau mỗi bước sải diva, khiến người ta vẫn phải chiêm ngưỡng nàng từ phía sau với những uốn lượn vòng vèo muôn phần sinh động phía trên. Tất cả những thứ đó, không cần là một triết gia để thấy một chữ SEX đỏ chót được viết hoa.

Người ta có thể dễ dàng nhận ra một quý bà trong đôi giày Louboutin: nàng có dáng bộ yêu kiều chuẩn mực, và nàng hầu như không di chuyển quá nhiều.

Trên một đôi Louboutin, dù là dát cườm, quấn nơ hay đơn sơ một lượt da hảo hạng, người ta không có nhiều lựa chọn nào khác ngoài việc duỗi chân thẳng căng, ép sát các ngón chân đến ngặt nghèo với những bước chân được thực hiện theo điệu bộ một con linh dương bị thấp khớp và tuyệt đẹp. Một hiệu ứng phụ nữa là rất có thể, xác suất bị chuốc say và gạ tình rất rất cao.

Thứ gợi cảm nhất ở một đôi giày cao gót tuyệt nhiên không phải là chức năng tăng chiều cao. Do đó mà một diva hiểu biết phải biết rùng mình khó ở trước những đôi giày đế xuồng (một thứ giày bệt có đế thật dày). Như phần gáy, hay khoảng da thịt sau tai của người đàn bà, phần nhạy cảm và gợi tình nhất của giày cao gót nằm ở phần lõm của lòng bàn chân: “Nếu để ý, bạn sẽ thấy đây cũng là phần nhạy cảm trên cơ thể, và nó cũng co duỗi khi người đàn bà “lên đỉnh”.

Một đôi giày cao gót đơn giản là một thứ khuôn đúc, khiến khi xỏ vào, đôi bàn chân phụ nữ lập tức bị uốn vào tư thế tự nhiên của nó trong cơn cực khoái.”

Thậm chí có rất nhiều người tin rằng lời giải thích trên của Christian Louboutin là một chứng cứ khoa học.

Bằng chứng chính là những vụ cầu hôn diễn ra liên tiếp tại cửa tiệm của ông, sánh ngang với tiệm nữ trang Tiffany hay nhà Cartier.

 

Những Cơn Đau Thời Trung Cổ
“Giày đối với đàn ông chỉ mang hai ý nghĩa: phong cách lịch thiệp và mức độ giàu có. Còn đối với đàn bà, chúng là đại diện cho mọi khía cạnh đa diện, mâu thuẫn, kì cục và vi diệu bên trong tâm hồn họ. Tôi tin rằng họ sẵn lòng vui vẻ nhảy chân sáo dù đớn đau tím tái vì đôi giày dưới chân”

Và đó là những gì ông có thể say sưa diễn giải từ ngày này sang ngày khác, về cấu trúc cơ bản của một chiếc giày, về các hướng của lực trọng tâm, và coi khinh tất tật những tiếng rên rỉ của fashionista tuẫn tiết quằn quại âm thầm trên những đôi giày kiêu kỳ kén chủ. “Ừ thì phụ nữ chỉ có thể đẹp khi họ thoải mái và không đau. Nhưng thật lòng mà nói, tôi không cũng không thấy thoải mái chút nào khi người ta đến cửa tiệm của tôi và trầm trồ kiểu ‘Ôi, mấy đôi giày này trông tiện lợi quá!’”

Dẫu muốn phủ nhận thực tế của sự dã man mang sắc màu trung cổ này, thì người ta cũng khó lòng phủ nhận hơn 600,000 đôi dụng cụ tra tấn tự nguyện được bán ra trong chỉ 20 năm tồn tại của thương hiệu Christian Louboutin.

Cánh mày râu hoang mang tự hỏi rằng tìm đâu ra trong thế kỷ đàn bà trí thức không còn ưa thú trầm mình trong khổ hạnh, khi mà tục bó chân Trung Hoa và những chiếc đai tiết hạnh đã thành mẫu vật bảo tàng. Phụ nữ đi bar và từ chối các cơn đau tim si tình thống khổ. Và danh sách các khách hàng thân thuộc của nhà Louboutin tạo nên một thực tế đáng ngờ về quan niệm phụ nữ tân thời năng động, độc lập tự do.

Tuẫn tiết nhất là nữ văn sĩ “viện trưởng viện sến Hoa Kỳ” Danielle Steel. Bà ca tụng ái tình lãng mạn và đã tự hành quyết đôi chân mình trong thú đau thương với 6,000 đôi giày Louboutin, lập kỷ lục vô song trong danh sách thượng khách đặc biệt nhà Louboutin. Còn Blake Lively – cô đào nổi tiếng qua series phim truyền hình Hoa kỳ tân nữ Gossip Girl, sẵn sàng tậu một lèo 40 đôi Louboutin chỉ trong một chuyến săn.

Bà Vic nhà Beckham đang mang bầu cũng vong thân vận vào chân đôi Louboutins đến dự đám cưới hoàng gia vào tháng tư năm ngoái, và dài dài trong suốt thời kỳ mang bầu bé Harper, ngay cả với những dấu hiệu cảnh báo của chứng lệch đĩa đệm.

Và đó chỉ là một vài cái tên điển hình trong danh sách hơn 5,000 khách hàng thân thiết của nhà Louboutin, trong đó mỗi người sở hữu ít nhất 500 đôi giày đế đỏ.

Vậy đấy, như Germaine Greer từng viết “trong khi các nhà hoạt động nữ quyền vẫn vật lộn để giải phóng phụ nữ, thì giày cao gót đã kịp chinh phục nhân loại từ bao giờ.”

Louboutin hỏi lại “Con người tài ba đó là ai vậy?”

Một nữ học giả với những đầu sách vĩ đại thập niên 1970

“Vậy đó, thì ra bà ấy là một nhà cách mạng nữ quyền thập niên 70’s. Tôi thấy Madonna cũng là một phụ nữ khá độc lập đó chớ. Cổ là khách hàng ruột của tiệm tôi đó.”

Tạp chí F Magazine
Bài: Trác Thúy Miêu